Lợi thế tuyệt đối của đội chủ nhà qua các kỳ Ryder Cup

Trước khi Ryder Cup 2023 khởi tranh, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là liệu tuyển Mỹ sẽ đối phó như thế nào với một tuyển Châu Âu đang có phong độ cao, và liệu họ có thể phá dớp thất bại trên sân khách trong 30 năm qua hay không?

Khán đài sân Le Golf National (Pháp) ở kỳ Ryder Cup 2018.

Theo thống kê, trong 8 kỳ Ryder Cup gần nhất, các đội chủ nhà đã giành chiến thắng đến 7 lần. Trong đó chỉ có duy nhất vào năm 2012, tuyển Châu Âu giành được chiến thắng sát nút 14,5 - 13,5 trên đất Mỹ với sự tỏa sáng của Ian Poulter. Còn ở 7 kỳ Ryder Cup còn lại, các đội chủ nhà đều giành chiến thắng có cách biệt ít nhất 5 điểm trở lên.

“Tôi cảm thấy việc thi đấu ở sân khách chẳng dễ dàng chút nào, thậm chí nó còn vô cùng khó khăn. Tôi nghĩ việc giành được Ryder Cup là điều khá quan trọng và vì một lý do nào đó, nó có ý nghĩa lớn hơn qua từng năm.” Rory McIlroy chia sẻ tại Ryder Cup 2021.

Trở lại năm 2014 tại Scotland, sự chia rẽ nội bộ giữa Phil Mickelson và đội trưởng Tom Watson được cho là phần nào nguyên nhân cho thất bại của tuyển Mỹ. Đến lần thất bại gần nhất của tuyển Mỹ trên sân khách vào năm 2018 tại Pháp, nguyên nhân được cho rằng họ chưa tìm hiểu kỹ về sân đấu, cũng như việc sắp xếp đội hình chưa hoàn toàn hợp lý.

Còn về phía tuyển Châu Âu, chiến lược không phù hợp của đội trưởng Mark James và Nick Faldo ở năm 1999 và 2008 đã dẫn đến thất bại của họ trên đất Mỹ vào các năm kể trên. Dù vì bất kỳ lý do gì, các kỳ Ryder Cup gần đây, đội chủ nhà luôn là những người nắm ưu thế.

Đội trưởng Tom Watson và Phil Mickelson gặp mâu thuẫn tại Ryder Cup 2014.

“Điều đầu tiên là đội chủ nhà sẽ có một lực lượng cổ động viên hùng hậu. Thêm vào đó, đội trưởng của đội chủ nhà có quyền lựa chọn cách bố trí sân đấu và ông ấy sẽ làm mọi thứ có thể để khiến nó có lợi cho các thành viên trong đội của mình. Thành thật mà nói, tôi nghĩ cách thức setup sân đóng vai trò rất lớn trong việc quyết định kết quả của trận đấu.” Padraig Harrington bày tỏ trước thềm Ryder Cup 2021.

Các đội trưởng của đội chủ nhà gây ảnh hưởng không nhỏ đến đến việc setup sân đấu kể từ năm 1957, khi đó đội trưởng của tuyển Vương Quốc Anh là Dai Rees đã làm giảm tốc độ green và thu hẹp lại khu vực fairway, qua đó gián tiếp đem về chiến thắng đầu tiên cho đội chủ nhà trước tuyển Mỹ kể từ năm 1933. Trong các kỳ Ryder Cup tiếp theo, đội trưởng của cả 2 đội tuyển đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để tạo thuận lợi cho đội nhà, cũng như gây khó khăn cho đối thủ. 

Tại Ryder Cup 2008, diễn ra ở Kentucky, đội trưởng của đội chủ nhà khi đó là Paul Azinger đã nói với giám đốc sân Valhalla về việc rút ngắn triệt để các khu vực cỏ rough, với ý đồ giúp các thành viên “tay to” của mình có thể tự tin đánh bóng. Chiến thuật tương tự cũng được các đội trưởng của tuyển Mỹ áp dụng tại Hazeltine (2016) và Whistling Straits (2021), khiến người Châu Âu phải phàn nàn về cách thiết lập sân.  

Về phía tuyển Châu Âu, sân đấu tổ chức các kỳ Ryder Cup ở đây hầu như tốc độ green khá chậm, không hợp với lối chơi của tuyển Mỹ. Họ luôn đề cao sự chính xác trong khâu phát bóng, một chiến thuật được cho để nhắm vào các golfer có khả năng đánh bóng xa của tuyển Mỹ . 

Tuy nhiên, theo nguồn tin của cả PGA Tour và DP World Tour, vấn đề các đội trưởng tác động đến việc thiết lập sân không được kiểm soát nghiêm ngặt, bởi không bên nào muốn nhận thất bại cả. Trong 3 thập kỷ tuyển Châu Âu toàn thắng trên sân nhà cho thấy họ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ra sao, nếu muốn phá dớp trên đất khách, tuyển Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa trong kỳ Ryder Cup lần thứ 44 này.