Tuyển tập các từ lóng trong cộng đồng golf Việt

"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Ngôn ngữ Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và điều này cũng được các golfer vận dụng để sáng tạo ra những từ lóng trên sân golf.

Việt Nam vốn đã có nhiều ca dao tục ngữ và câu chữ có thể hiểu theo nhiều nghĩa tuỳ vào ngữ cảnh, ngữ điệu… Vậy nên, việc chuyển thể các tình huống chuyên môn trong golf thành các câu nói, các từ ngữ mang phong cách hài hước, dí dỏm hoặc mang nghĩa “bóng” càng thuận lợi hơn.

Đối với các golf thủ nghiệp dư Việt Nam, trong các buổi chơi golf ít nhiều đều thích có một chút thi thố cạnh tranh nhau bằng hình thức treo thưởng để tăng tính hấp dẫn. Nên các từ lóng hay nhất chủ yếu được “phát minh” từ các nhóm chơi này nhằm mô tả lại các diễn biến thực tế xảy ra trong trận đấu.

Nếu như người chơi golf đã quá quen với các từ thường để chỉ chuyên môn trong golf như: Par, birdie, eagle, mulligan...Thì chính những từ lóng mà giới golfer Việt thường sử dụng là một yếu tố khiến môn thể thao này trở nên gần gũi và thú vị hơn. 

Chẳng biết nguồn gốc xuất phát từ đâu, ai là người nghĩ ra những từ lóng ứng với các tình huống trên sân golf. Nhưng những ngôn từ đầy tính sáng tạo, mang tính tếu táo và có chút châm biếm ngày càng ăn sâu vào giới golfer Việt. Giờ đây, thay vì đơn giản chỉ nói bạn chơi đánh bóng xuống nước, thì mọi người hay dùng "Cụ đi chân lạnh toát". Hoặc để nói đến việc người chơi không có được kết quả tốt, thay vì dùng những từ như "đánh chán" hay "đánh kém", thì golfer lại dùng từ "toang" hay "ăn cua bể"

Việc sử dụng tiếng lóng đã trở nên rất phổ biến trong xã hội, nhưng khi được áp dụng vào golf thì những tiếng lóng mang đậm phong cách dí dỏm, hài hước và vô cùng sâu sắc của giới golfer Việt. 

Để thống kê hết những tiếng lóng trong 1 bài viết là điều không thể, dưới đây xin trích lại một số từ khá quen thuộc thường hay được các golfer sử dụng:

- Đi nước ngoài liên tục: ngầm chỉ người đánh bóng vào hết bẫy nước này đến bẫy nước khác.

- Chia gậy an toàn: chip hỏng, đánh hỏng bóng bay ngắn.

- An táng tại quê nhà: cú đánh trong bunker nhưng bóng không ra ngoài được.

Đại cát: một vòng đấu đánh quá nhiều lần xuống bunker.

Cụ đã sang cát: đánh từ bunker này sang bunker kia.

Chuyển nghề kiểm lâm: đánh bóng quá nhiều lần vào rừng.

Vietnam Airlines: cú đánh bóng bay rất cao nhưng không xa.

- Chết trước cổng bệnh viện: cú putt đưa bóng dừng cách hố vài centimet.

- Nhổ nước bọt: đánh gậy xa nhưng bóng nằm ngay trước mặt.

- Đang sống chuyển sang từ trần: ám chỉ việc đánh mất bóng, chip xịt, hoặc bị phạt gậy.

- Tổng thống: người có kết quả tốt nhất nhóm.

- Ông già Noel: người phát quà cho cả nhóm.

- Gánh nước thuê: thắng của người này, nhưng lại thua người khác mà mình không được gì.

Trà xanh không độ: những người chơi golf vui vẻ, thư giãn.

Cá sấu: nhằm nói tới golfer dày dạn kinh nghiệm, có trình độ và kỹ thuật chơi tốt, thường là các golfer có handicap dưới 10.

Người âm: dùng để nói những golfer thường xuyên đánh âm gậy so với handicap.

Cô ơi, cô ở đâu: golfer đang không có được may mắn khi chơi thường nói câu này. 

Cap Tàu: là cách nói có dụng ý nhắc đến một số golfer không trung thực về trình độ, cố ý khai sai handicap để giành lợi thế cho mình trong thi đấu. Nó giống như những sản phẩm của Trung Quốc thường không được tin cậy khi sử dụng.

- Pen swing (swing bằng bút): chỉ những người chơi không trung thực, hay viết sai điểm số so với thực tế nhằm mục đích nhận giải thưởng. 

Ngoài ra, các golfer cũng có thể vào tính năng "Chat" trên vHandicap để cập nhật thêm những từ lóng đã được làm thành sticker rất thú vị. 

Từ lóng cũng có đời sống của nó, theo năm tháng sẽ có từ mất đi và từ mới hay hơn ra đời. Hy vọng ở môn chơi đậm chất kỹ thuật và tinh tế như golf, chúng ta tiếp tục tìm kiếm và sáng tạo ra thêm nhiều từ lóng thật “đắt” và ý nghĩa để golf không chỉ là thể thao mà còn hàm chứa những nét văn hoá độc đáo.